Trẻ em luôn là đối tượng cần được chăm sóc và bảo vệ cẩn thận nhất vì các bạn nhỏ thường rất dễ bị tổn thương. Với một hệ miễn dịch còn non nớt, cơ thể chưa phát triển đầy đủ thì trẻ em rất dễ bị nhiễm bệnh. Vì vậy người lớn đặc biệt là các bậc cha mẹ cần phải biết những kiến thức thông tin để phòng bệnh cho trẻ em. Ở trẻ có một số căn bệnh mà trẻ nhỏ thường xuyên mắc phải (như các bệnh sốt). Vậy nên bố mẹ cần đặc biệt chú ý để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho bé.
Cách chữa bệnh tiêu chảy cho trẻ em
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh) cho biết cách chăm sóc và phòng bệnh cho trẻ em, đây là một số bệnh thường gặp (tiêu chảy, sốt…) nên các cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm.
Cần cho uống thêm các loại nước uống có sẵn trong nhà hoặc dung dịch bù nước và điện giải – oresol. Tiếp tục cho trẻ ăn bình thường bằng các thức ăn giàu chất dinh dưỡng và mềm. (Nếu trẻ đang bú mẹ thì tăng số lần cho bú).
Sau khi khỏi, cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa trong 2 tuần để phòng suy dinh dưỡng; cho uống viên kẽm 20 mg, 1 viên/ngày (trẻ dưới 6 tháng: uống 1/2 viên/ngày) trong 10 – 14 ngày. Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu có một trong các dấu hiệu sau: rất khát, mệt, li bì, không bú được hoặc bỏ bú. Hoặc là trẻ nôn nhiều, tiêu chảy nhiều hơn, sốt cao, có máu trong phân, co giật.
Đối với hiện tượng ói nhiều, bố mẹ nên khuyến khích trẻ ăn, uống chậm lại. Lượng thức ăn nên ít lại và thường xuyên hơn. Như thế sẽ giảm thiểu khả năng bị ói thêm ở trẻ. Khi bị tiêu lỏng nhiều lần và nôn ói, trẻ sẽ có nguy cơ bị mất nước, hạ đường huyết, rối loạn điện giải. Tất cả đều làm tình trạng của trẻ nặng hơn.
Còn với trẻ dưới một tuổi còn bú mẹ hoặc bú sữa công thức thì sao? Chúng ta vẫn nên cho trẻ bú mẹ hoặc sữa công thức để bù nước, điện giải và năng lượng cho trẻ qua thực phẩm quan trọng này.
Chữa các bệnh liên quan đến đường hô hấp cho trẻ
Khi trẻ có các dấu hiệu của nhiễm khuẩn hô hấp như ho, sốt, chảy nước mũi thì phải chữa và phòng bệnh cho trẻ em như thế nào? Cho uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng. Làm sạch mũi trước khi cho trẻ ăn. Nếu sốt, sốt cao, cần cởi bớt quần áo, để trẻ nơi thoáng mát. Nếu sốt cao từ 38,5 độ C trở lên thì hạ sốt bằng thuốc viên paracetamol, liều dùng 10 mg/kg/lần. Cho uống lại sau 4 – 6 giờ nếu trẻ còn sốt, không dùng quá 4 lần trong ngày. Đưa ngay đến cơ sở y tế khi trẻ bú hay ăn kém, ngủ li bì khó đánh thức, ho nhiều, sốt cao, thở nhanh hoặc khó thở, thở bất thường.
Khi trẻ bị sốt cao co giật: Cần cởi bớt quần áo, tã lót, để trẻ nơi thoáng mát; lau người trẻ bằng khăn ấm. Cho trẻ uống thêm nước, nước hoa quả, sữa…; ăn nhiều hơn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, lỏng, chia thành nhiều bữa nhỏ. Những trẻ còn bú mẹ cần cho bú nhiều hơn. Để trẻ nằm yên tĩnh, đầu hơi nghiêng về một bên đề phòng khi trẻ bị nôn sẽ có nguy cơ dịch tràn vào đường thở. Khi trẻ đang co giật, không dùng thuốc bằng đường uống vì có nguy cơ bị sặc. Cần dùng thuốc hạ nhiệt đặt hậu môn và đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.