Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân đái tháo đường có xu hướng gia tăng nhanh chóng với nhiều biến chứng nặng nề như biến chứng tim mạch, thận, mắt, thần kinh… đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Việc trang bị những kiến thức về triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu. Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm mà người bệnh có thể dẽ dàng tử vong nếu như căn bệnh trở nặng. Chúng ta cần tìm hiểu cụ thể về căn bệnh để có thể điều trị một cách sớm nhất để bảo vệ sức khỏe của chúng ta. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cụ thể hơn về căn bệnh trong bài viết bên dưới nhé.
Mục lục
Bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là một bệnh lý có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Hạ đường huyết, võng mạc đái tháo đường, suy thận, bàn chân đái tháo đường… Các biến chứng trên đều có thể nguy hiểm đến tính mạng hoặc làm cho người bệnh bị tàn phế.
Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất. Có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, tác động của insulin hoặc cả hai. Việc tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide. Đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau. Đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Các loại bệnh đái tháo đường thường gặp
Đái tháo đường típ 1: Là bệnh do cơ chế tự miễn liên quan đến hiện tượng phá hủy tế bào bêta tụy.
Đái tháo đường típ 2: Là bệnh liên quan đến insulin trong cơ thể.
Ngoài ra còn có đái tháo đường thai kỳ do rối loạn dung nạp glucose và phát hiện lần đầu tiên trong quá trình mang thai. Các bệnh đái tháo đường khác do khiếm khuyết gen, các bệnh nội tiết gây ra như cường giáp hoặc do dùng thuốc.
Với mỗi loại bệnh đái tháo đường sẽ có cách điều trị khác nhau. Đái tháo đường típ 1 điều trị bằng insulin. Đái tháo đường típ 2: điều trị bằng kết hợp thuốc và chế độ ăn. Nhưng giai đoạn sau có thể dùng insulin. Đái tháo đường thai kỳ: sử dụng chế độ ăn uống để kiểm soát đường huyết. Nếu không kiểm soát được thì mới dùng insulin.
Những dấu hiệu cảnh báo có bệnh
Bệnh đái tháo đường típ 1 thường xảy ra ở người trẻ, triệu chứng xuất hiện rầm rộ và đột ngột, ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều. Bệnh đái tháo đường típ 2 xảy ra ở người lớn tuổi hơn, 40 tuổi trở lên. Được phát hiện một cách tình cờ do khám, điều trị những bệnh khác.
Các triệu chứng đái tháo đường sau đây là điển hình. Tuy nhiên, một số người đái tháo đường type 2 có các triệu chứng nhẹ nên người bệnh không nhận biết được.
- Đi tiểu thường xuyên
- Cảm thấy rất khát
- Cảm thấy rất đói – ngay cả khi đang ăn
- Mệt mỏi nhiều
- Nhìn mờ
- Chậm lành các vết thương hoặc vết loét:
- Giảm cân – ngay cả khi đang ăn nhiều hơn (đái tháo đường típ 1)
- Ngứa ran, đau, hoặc tê ở tay hoặc chân (đái tháo đường típ 2 )
Những dạng biến chứng của đái tháo đường
Biến chứng cấp tính: hôn mê do hạ đường huyết hoặc hôn mê do tăng đường huyết quá nhiều. Các biến chứng mạn tính chia thành 2 nhóm: Biến chứng mạch máu nhỏ và biến chứng mạch máu lớn.
Biến chứng mạch máu nhỏ liên quan đến các bệnh võng mạc đái tháo đường. Nguyên nhân gây tổn thương mắt, có thể gây mù; gây tổn thương thận và các biến chứng thần kinh ngoại biên (tê, mất cảm giác ở tay, chân)
Biến chứng mạch máu lớn: gây ra các bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, hoặc các bệnh lý mạch máu ngoại biên (viêm động mạch chi dưới)
Những biến chứng nguy hiểm
Biến chứng ở thận: biến chứng có liên quan đến diễn tiến của bệnh nhân đái tháo đường. Để phòng ngừa biến chứng thận thi phải ổn định đường huyết bằng chế độ ăn, thuốc và tập luyện thể dục; nếu có vấn đề về huyết áp thì phải điều trị, hạn chế ăn mặn.
Do tổn thương thần kinh và lưu thông máu kém thường làm cho bàn chân bệnh nhân đái tháo đường dễ bị loét thậm chí là phải cắt cụt chi. Khi bệnh nhân mắc bệnh cần phải được cung cấp thông tin để phòng ngừa vết thương ở bàn chân. Bệnh nhân cần nhớ luôn mang giày dép, chọn giày dép phù hợp với bàn chân, tránh gây phồng rộp chân, tránh cắt móng sâu tạo vết thương sẽ khó lành. Không dùng dầu nóng hoặc ngâm chân nước nóng.